10 Lỗi Hay Mắc Phải Của Người Mới Chơi Thủy Sinh

1. Nóng vội:

Đây là sai lầm thông dụng nhất, người mơi tập chơi hay muốn có 1 hồ đẹp, ổn định ngay, muốn cây cối căng đẹp thật nhanh và thả cá tép sớm. 1 hồ thủy sinh 1 là hệ sinh thái thu nhỏ do chính mình tạo ra, và 1 hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ nhiều yếu tố không thể nào 1 sớm 1 chiều là hoàn hảo được.

Lời khuyên đầu tiên cho những bạn muốn bước chân vào thú chơi này là hãy tập tính kiên nhẫn nếu không muốn mãi thất bại. Kiên nhẫn như thế nào các bạn sẽ rõ hơn khi đọc hết những sai lầm ở những mục sau.

2. Dùng quá nhiều đèn 1 cách không cần thiết:

Đây là sai lầm mình muốn đề cập thứ hai vì 10 người mới chơi thì có đến 9 bạn muốn hồ mình thật sáng. Các bạn không tìm hiểu xem loại cây mình trồng có thật sự cần nhiều đèn hay không? Hay bạn đang bỏ qua nhu cầu của cây cối trong hồ mà chỉ bật đèn để phục vụ mắt của mình? Ánh sáng là lượng năng lượng lớn bạn cung cấp cho hồ thủy sinh, nếu những cây thích bóng râm phải hứng chịu 1 lượng ánh sáng lớn thì sẽ rất yếu, dễ vàng, cháy lá. Ngoài ra khi năng lượng dư thừa thì rêu hại sẽ phải xuất hiện để hấp thụ năng lượng đó. Thậm chí những loại cây thích sáng cũng dễ chăm hơn khi bạn dùng ánh sáng vừa phải, đỡ phải cung cấp thêm nhiều co2 hay phân nước.

Lời khuyên:

  • Nếu bạn chơi rêu, ráy, nana, dương xỉ… những cây sống trong bóng râm (Shade plants), thì chỉ cần dùng 1 lượng ánh sáng ít, ví dụ hồ 60cm rộng 30cm thì chỉ cần 1 bóng t8 hay 1 bóng t5h0 gác cao lên là đủ (1 bóng chứ không phải 1 máng đèn nhé), thời gian chiếu sáng có thể là 8 tiếng, nhưng nên mở từ 5-6 tiếng khi mới set hồ rổi tăng dần lên hàng tuần. Hồ 60 rộng 40cm thì nên dùng 2 bóng t8, nếu là t5Ho thì chỉ cần 1 bóng thời gian đầu, rồi tăng dần lên 2 bóng khi hồ đã ổn định, gác cao lên 10-15cm thì càng tốt. Nếu là Led thì bạn nên điều chỉnh mức thấp và cũng gác cao lên.
  • Nếu bạn chơi bucep: bucep là loại cây phát triển chậm nên rất dễ bị dính rêu hại. Bucep sẽ đẹp nếu bạn dùng nhiều sáng, nhưng khả năng bị rêu hại bám cũng rất cao,vậy nên lời khuyên của mình là khi trồng bucep bạn nên dùng ánh sáng trung bình là đủ, cây vừa đẹp vừa sạch sẽ không bị rêu hại tấn công. Lượng ánh sáng vừa đủ này có thể như cho rêu ráy dx phần trên hoặc tăng lên 1 chút thôi nhé.
  • Nếu bạn trồng nhiều cây, phong cách Hà Lan…: những cây này thuộc loại cần nhiều ánh sáng (Sun plants), nhưng không có nghĩ nhất thiết bạn phải cung cấp 1 lượng ánh sáng quá nhiều cho hồ. Bạn có thể dùng lượng ánh sáng gấp đôi như hồ rêu ráy, dx là đủ, nhưng nhớ phải tăng dần từ ít lên cao.

    3. Lười tìm hiểu:

    Tìm hiểu ở đây không phải nhất thiết là chuyên sâu, bác học. Tìm hiểu chỉ đơn giản là lấy chút kiến thức cần thiết chuẩn bị cho bạn trong thú chơi này. Ví dụ      về sinh lý cây, bạn không thể trồng cây trong môi trường nhiệt độ quá nóng chẳng hạn, hoặc nuôi cá, tép thì cần phải biết về đặc điểm sinh lý từng loại. Với sự phát triển của công nghệ thì các bạn hầu như có thể “google” gần hết những thông tin cần thiết. Và mình đảm bảo rằng với 1 chút siêng năng tìm hiểu, đọc, kết hợp với kinh nghiệm rút ra dần qua thời gian thì các bạn sẽ thành công sớm.

    Lời khuyên: các bạn mới chơi có thể tìm đọc những từ khóa tương tự như thế này trên google: “vi sinh trong hồ thủy sinh”, “bộ lọc hồ thủy sinh”, “ánh sáng trong hồ thủy sinh”, “những loại cá nuôi trong hồ thủy sinh”, “rêu hại trong hồ thủy sinh”….

    4. Áp dụng thông tin 1 cách quá cứng nhắc, thiếu sự sàng lọc

    Đây là 1 sai lầm thông dụng khác. Hồ thủy sinh có nhiều loại, nhiều phong cách và cách chơi. Mỗi hồ thủy sinh khác nhau cũng có 1 hệ thống vi sinh, môi trường hoàn toàn khác nhau. Nên việc bạn áp dụng hoàn toàn 1 kinh nghiệm, cách chơi của 1 hồ nào đó cho hồ bạn là hơi vô lý. Ví dụ bạn không thể áp dụng số lượng đèn của 1 hồ cây rồi về dùng cho hồ trồng rêu ráy ở nhà. Kinh nghiệm thủy sinh cũng giống như cái khăn mặt, bàn chải đánh răng riêng của mỗi người, bạn có thể nhìn vào đó, về mua cho giống rồi dùng chứ không thể lấy của họ mà dùng ngay được.

    Lời khuyên: nên tiếp nhận ý kiến, kinh nghiệm có sự sàng lọc và áp dụng 1 cách có logic và điều chỉnh cho hợp lý.

    5. Thả cá, tép sớm

    Sir Amano từng nói “Người yêu thiên nhiên phải yêu mến những sinh vật nhỏ nhất của mẹ thiên nhiên tạo ra”. 1 vài con tép, cá nhỏ xíu, rẻ tiền nhưng đó cũng là những sinh linh đáng được người chơi quan tâm, chăm sóc tốt. Nhiều bạn mới chơi thường nóng vội thả cá tép quá sớm, ngay sau khi set hồ hoặc trong thời gian trước khi hệ vi sinh ổn định (thường là 3-4 tuần), và khả năng cá tép chết trong thời gian này là rất cao. Mặt khác, khi cá tép chết trong thời gian hồ chưa ổn định sẽ tiếp tục làm hệ thống khó ổn định hơn.
    Lời khuyên: sau khi set hồ, chạy lọc cỡ 3-4 tuần mới nên thả cá tép, có thể châm vi sinh, sục oxi cho hệ vi sinh phát triển nhanh hơn. Trường hợp bắt buộc phải thả cá tép sớm thì các bạn có thể dùng chai vi sinh API Quickstart.

    6. Thả quá nhiều cá, thả cá không phù hợp, cho cá ăn quá nhiều, chăm sóc cá quá nhiều

    “hồ cá thì phải thả cá” là điều tất nhiên, nhưng nhiều bạn quá tham cá mà thả quá nhiều, hoặc thả những loại cá không phù hợp (cá phá cây, phá nền, cá ị quá nhiều làm dơ nước…). Chất hữu cơ trong phân cá là nguyên nhân chủ yếu gây mất cân bằng hệ vi sinh và gây bùng phát rêu hại – kẻ thù số 1 của hồ thủy sinh. 1 vấn đề quan trọng nữa là các bạn nên cho cá ăn vừa phải, 1 lần / ngày là đủ, vì thức ăn cá là nguồn hữu cơ rất lớn. Hạn chế cho tay vào hồ và tránh chăm sóc cá quá kĩ 1 cách không cần thiết.

    Lời khuyên:

    • Nên thả 1 số lượng cá vừa phải, ví dụ hồ 100 lít nước – 60 cm nên chỉ thả 30-40 con cá thủy sinh như cá neon, sóc đầu đỏ, hồ 90cm (200 lít nước) có thể thả 60-70 con, và hồ 1m2 (300 lít) có thể thả 90-100 con cá. Những loại cá nên hạn chế thả trong hồ thủy sinh là: cá mún (có thể thả 1 vài con thời gian đầu để cá dọn bớt nhớt từ lũa), cá 7 màu, cá ong tiên (nên thả ít), cá bống vàng (nên hạn chế vì nó hay đào nền), cá chuột (hạn chế vì hay cào nền làm bụi hồ)…
    • Cho cá ăn vừa phải
    • Đừng chăm sóc cá quá mức cần thiết.

    7. Không dành thời gian chăm sóc hồ

    Hồ thủy sinh sẽ luôn đẹp và ổn định hơn nếu được quan tâm, chăm sóc hằng ngày. Bạn có thể chỉ dành 5-10 phút mỗi ngày vệ sinh, quan sát cây cối, cá tép xem có vấn đề gì không. Rêu hại khi mới xuất hiện sẽ rất dễ trị hơn là để chúng bùng phát sau vài ngày. Cây thủy sinh, bệnh cá tép cũng vậy, nếu phát hiện ra vấn đề gì sớm và tìm hướng xử lý ngay thì sẽ rất dễ dàng và hiệu quả. Thêm vào đó, khi bạn dành ít thời gian cho hồ thủy sinh của mình thì não bộ của bạn sẽ luôn tiết ra 1 chất gây giảm stress, gây thích thú như 1 chất gây nghiện, bạn sẽ luôn được giữ lửa đam mê cho thú chơi này.

    Lời khuyên: đơn giản là cố dành chút thời gian cho hồ mỗi ngày, vừa tận hưởng thành quả  của mình, vừa tìm những vấn đề bất ổn để tìm hướng giải quyết sớm.

    8. Thay nước quá nhiều, vệ sinh hồ và lọc quá kĩ

    Nhiều bạn mới chơi nghĩ rằng hồ mới set, hồ dơ thì càng thay nhiều nước càng tốt, thậm chí thay 100% nước hằng ngày. Thật ra việc thay nước và chăm sóc hồ tùy thuộc từng hồ, từng loại nền… Nhưng gốc rễ của 1 hồ thủy sinh ổn định là có 1 hệ vi sinh ổn định, và việc thay nước quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh này. Bên cạnh đó, việc vệ sinh lọc cũng là việc nên làm nhưng tùy theo mỗi hồ. Có hồ chỉ cần vệ sinh sơ lọc mỗi vài tháng, thậm chí cả năm trời, nhưng nhiều hồ “high tech” thì nên vệ sinh hàng tháng.

    Lời khuyên: đừng quá lạm dụng việc thay nước quá nhiều, trong trường hợp bắt buộc phải thay nước nhiều thì nên chia nhỏ ra hằng ngày sẽ tốt hơn. Nên kết hợp với việc quan sát tình trạng hồ mà đưa ra kế hoạch thay nước, vệ sinh hồ và lọc 1 cách hợp lý. Đừng bao giờ vệ sinh lọc quá kĩ và đừng bao giờ thay nước và vệ sinh lọc chung 1 ngày.

    9. Lạm dụng quá nhiều sản phẩm không cần thiết

    Tâm lý người mới chơi thường hay nghe ai đồn hay đọc sơ qua về các sản phẩm thủy sinh là mua về cho vào hồ 1 cách vô tội vạ. Ví du: vi lượng sắt – Fe là chất rất cần thiết cho cây thủy sinh và thường nó hay bị thiếu hụt, nhưng chỉ cần cung cấp 1 lượng nhỏ Fe là đã quá đủ cho toàn bộ cây cối trong hồ (mức 0.03 đến 0.1 mg/l là quá đủ). Fe cũng là 1 loại kim loại nặng rất độc cho cây và cá tép nếu bạn châm quá liều. Người mới chơi thường châm Fe từ 2 3 nguồn phân nước khác nhau mà không biết rằng họ đang đầu độc và nuôi rêu hại cho hồ của họ.

    Lời khuyên: Nên cân nhắc và tìm hiểu, hỏi những bạn có kinh nghiệm tư vấn thêm cho mình về những sản phẩm thủy sinh và cách sử dụng. Tránh sử dụng 1 cách vô tội vạ.

    10. Quá vội vàng kết luận khi chưa chắc chắn

    Nhiều bạn newbie và cả 1 số bạn đã chơi thủy sinh 1 thời gian thường hay mắc phải tâm lý này. Họ trải nghiệm 1 vấn đề xấu hoặc thành công trong 1 trường hợp nào đó rồi suy luận 1 cách tự tin rằng các bạn khác cũng sẽ gặp và BẮT BUỘC phải sử lý như bản thân mình. Nhưng không, kiến thức thủy sinh nó rộng lớn, vô tận lắm, các bạn mới đừng vội vàng kết luận chắc chắn 100% điều gì, ngay cả những pro lâu năm họ vẫn luôn tư vấn người mới và hướng dẫn mọi người với 1 sự dè dặt có chừng mực. Họ càng chơi càng thấu hiểu rằng không có gì là chắc chắn 100% trong thú chơi này.

    Lời khuyên: cứ trải nghiệm, tìm hiểu và rút ra kinh nghiệm. Nếu có thể thì chia sẽ giúp đỡ người khác nhưng đừng nên tuyên bố chắc chắn, tỏ vẻ biết tuốt trong thú chơi này.

    Trích dẫn Nguồn: Thuysinhaz.com

Hotline: 079 585 2222
© 2020 BunAquaCoffee